Không đăng ký tạm trú cho người thuê nhà, cả người thuê lẫn người cho thuê có thể bị xử phạt từ 100.000 – 4 triệu đồng. Trong khi đó, cách đăng ký tạm trú lại vô cùng đơn giản, dễ dàng thực hiện sẽ được hướng dẫn chi tiết ngay dưới đây.
Vì sao phải đăng ký tạm trú cho người thuê nhà?
Đăng ký tạm trú không chỉ là nghĩa vụ mà còn đem lại quyền lợi cho chính người thuê nhà. Đây là cách để các cơ quan chức năng có thể hệ thống và quản lý an sinh, trật tự xã hội tốt nhất cho người dân. Người đăng ký tạm trú cũng được đảm bảo nhiều quyền lợi vô cùng thiết thực.
Cụ thể khi có giấy đăng ký tạm trú, người thuê nhà được đảm bảo và dễ dàng thực hiện các thủ tục về pháp lý, hành chính như:
- Đăng ký kinh doanh
- Đăng ký nhập học cho bản thân (đối với sinh viên), cho con em.
- Mua bán nhà đất, đầu tư bất động sản
- Sang nhượng phương tiện đi lại như ô tô, xe máy.
- Làm hồ sơ vay vốn hỗ trợ từ ngân hàng.
- Được đứng tên đăng ký hợp đồng điện, nước, điện thoại, Internet,…
Các hình thức đăng ký tạm trú
Trước khi Luật cư trú 2006 có hiệu lực, sổ đăng ký tạm trú cho người thuê nhà được chia thành 3 loại như sau:
- Tạm trú KT2: Được cấp cho công dân có hộ khẩu thường trú ở quận, huyện nhưng tạm trú ở quận, huyện khác trong phạm vi cùng tỉnh. Đây là loại sổ tạm trú dài hạn.
- Tạm trú KT3: Có thời hạn từ 6-24 tháng dành cho các công dân tạm trú đến từ tỉnh khác.
- Sổ tạm trú KT4: Là loại sổ tạm trú ngắn hạn có thời hạn không quá 6 tháng, được áp dụng trong trường hợp người đăng ký là người đến để du lịch, thăm viếng,…
Tuy nhiên theo Luật cư trú mới nhất, tính đến thời điểm hiện tại, chỉ còn duy nhất một loại Sổ tạm trú. Với kiểu sổ này, thời gian tạm trú được cấp theo đề nghị của công dân nhưng không được quá 24 tháng. Khi hết thời hạn có thể đến cơ quan chức năng tiếp tục gia hạn.
Đăng ký tạm trú, chủ nhà hay người thuê nhà phải có nghĩa vụ?
Thủ tục đăng ký tạm trú theo giải thích của Luật cư trú 2006 có 2 điểm đáng chú ý:
- Công dân đăng ký nơi tạm trú với cơ quan Nhà nước có thẩm quyền và được cơ quan này hỗ trợ, cấp sổ tạm trú khi đạt đủ điều kiện.
- Trong thời gian không quá 30 ngày, người tạm trú phải đến làm thủ tục tại Công an xã, phường, thị trấn.
Tuy nhiên trong các loại giấy tờ làm thủ tục đăng ký tạm trú cho người thuê nhà cần đến sự chứng nhận, hỗ trợ từ phía người cho thuê. Vì thế mà với công tác đăng ký tạm trú, cả người thuê và chủ nhà đều phải có trách nhiệm thực hiện.
Hồ sơ đăng ký tạm trú cho người thuê nhà
Để đăng ký tạm trú được nhanh chóng, suôn sẻ nhất, cần chuẩn bị đầy đủ tất cả những loại giấy tờ như sau:
- Chứng minh nhân dân/căn cước công dân, hoặc giấy tờ có xác nhận của Công an xã, phường, thị trấn nơi người đó đăng ký thường trú.
- Bản khai nhân khẩu.
- Phiếu báo thay đổi hộ khẩu, nhân khẩu.
- Giấy tờ chứng minh chỗ ở hợp pháp (trừ khi được chủ hộ có sổ hộ khẩu hoặc sổ tạm trú đồng ý cho đăng ký tạm trú thì không cần xuất trình giấy tờ về chỗ ở). Trong trường hợp thuê, mượn, ở nhờ chỗ ở hợp pháp thì khi đăng ký tạm trú phải có ý kiến đồng ý cho đăng ký tạm trú của người cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ tại phiếu báo thay đổi hộ khẩu, nhân khẩu, ký, ghi rõ họ tên và ngày, tháng, năm.
Quy trình đăng ký tạm trú chi tiết
Sau khi đã chuẩn bị đầy đủ hồ sơ đăng ký tạm trú cho người thuê nhà, các bước tiếp theo cần thực hiện bao gồm:
- Nộp hồ sơ đăng ký đến Công an xã, phường, thị trấn nơi tạm trú.
- Trong khoảng 02 ngày làm việc, cơ quan chức năng sẽ xem xét, đối chiếu và có 3 trường hợp xảy ra như sau:
+ TH1: Với hồ sơ hợp lệ, người đăng ký đến nộp lệ phí và nhận Sổ tạm trú.
+ TH2: Với hồ sơ chưa đầy đủ, cơ quan chức năng sẽ có hướng dẫn, hỗ trợ để hoàn thành và giải quyết cấp Sổ tạm trú khi giấy tờ được bổ sung đầy đủ.
+ TH3: Với hồ sơ không hợp lệ không được cấp sổ tạm trú sẽ có văn bản giải thích rõ ràng cho công dân.
**Lưu ý:
- Lệ phí đăng ký tạm trú theo quy định của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh.
- Chú ý kiểm tra kỹ lại các thông tin đã được ghi trong sổ tạm trú, nếu phát hiện sai sót cần phải báo lại ngay.
Không đăng ký tạm trú cho người thuê nhà bị xử phạt như thế nào?
Có 3 trường hợp bị xử phạt khi không thực hiện hoặc cố ý làm sai thủ tục đăng ký tạm trú cho người thuê nhà. Đó là:
- Cá nhân, chủ hộ gia đình không đăng ký thường trú, tạm trú, điều chỉnh thay đổi trong Sổ hộ khẩu, Sổ tạm trú: Phạt tiền từ 100.000 – 300.000 đồng.
- Các hành vi tẩy, xóa, sửa chữa, làm sai lệch nội dung Sổ hộ khẩu, Sổ tạm trú: Phạt tiền từ 1 – 2 triệu đồng.
- Trường hợp khai man, giả mạo giấy tờ, có hành vi vụ lợi hoặc người đăng ký thực tế không sinh sống tại chỗ ở: Phạt tiền từ 2 – 4 triệu đồng.
Trên đây là những thông tin hướng dẫn chi tiết nhất để người thuê cùng chủ nhà thực hiện thủ tục đăng ký tạm trú. Đăng ký tạm trú cho người thuê nhà là tạo ra lợi ích cho tất cả các bên từ Cơ quan chính quyền, người thuê nhà cho đến người cho thuê.